Lịch sử dân tộc Khmer – Chương XVII - Préah Bat ở Srok Khmer

Đối với người Khmer, chân (ជើង) hết sức quan trọng. Người Khmer (nam giới) trước khi nói với ai cái gì đó hoặc đồng ý thì nói là «bat» (បាទ), từ này có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit «pāda» (បាទៈ) có nghĩa là «chân». Vì người ta đánh giá cao chân, chân quan trọng, quan trọng đến nỗi, người ta đặt từ «Préah» (ព្រះ- thần thánh) trước từ chân (បាទ), gọi là «Préah Bat» (ព្រះបាទ), là từ chỉ dùng để đặt trước tên của đức vua với nghĩa là «vua» hay «đức vua».

Thực ra, «Préah Bat»«bàn chân của thần thánh». Theo quan điểm của Brahma giáo, người ta cho rằng «Thần linh tạo nên và quản lý vũ trụ này, và khi nghỉ ngơi, thần linh sẽ chỉ đặt chân lên đầu của người giữ giới, giữ đạo, biết quy phục thần linh». Trong Brahma giáo, chỉ có thể thoát khỏi sự sinh tử luân hồi, khổ đau, khi người được sinh về cõi thần linh hoặc chí ít cũng phải đến được bàn chân của thần linh. Việc đi được đến chân của thần linh cũng đồng nghĩa với việc được sinh về cõi của thần linh. Bởi thế mà những người theo Brahma giáo luôn ước muốn đến được bàn chân của thần, cũng như những Ki-tô hữu luôn ước muốn được ở bên phải của đức Chúa Trời vậy.

Từ thế kỷ thứ i đến thế kỷ thứ xiv, người Khmer theo Brahma Giáo. Tôn giáo này là Quốc giáo và là tôn giáo của Hoàng gia. Đến khi băng thì hầu như vị vua nào cũng được sinh về thiên đàng, tức là đã đến được nơi bàn chân của thần. Điều này được nhìn thấy rõ ở các hiệu úy (tên được đặt sau khi chết) của các vị vua. Jayavarman đệ Ngũ sau khi băng hà được đặt tên húy là «Baromsevéabat » (Paramansivapāda - បរម​សិវបាទ), tức, Ngài đã được sinh về nơi bàn chân của thần Shiva cao quý. Vua Jayavarman đệ Bát được đặt tên là «Baromisvrahbat» (Paramaisvarapāda-បរម​ឥស្វរៈ​បាទ) tức, đã sinh bàn chân cao quý của Shiva. Đức vua Yasovarman đệ Nhất được đặt tên húy là «Baromsevéalokah» (Paramasivaloka-បរម​សិវលោកៈ) có nghĩa là đã được sinh về cõi của thần Shiva cao quý. Vua Soryéah Varman đệ Nhị được đặt tên húy là «Baromvishnulokah» (Paramavisuloka-បរម​វិស្ណុ​លោកៈ) có nghĩa là đã sinh về cõi của thần Vishnu cao quý. Chúng ta thấy rằng «sinh về cõi thần linh» hay «đến được bàn chân thần linh» đều có ý nghĩa tương đương với nhau.

Trong giai đoạn Brahma giáo thịnh vượng, cũng có một số vị vua của người Khmer theo Phật giáo như vua Rutréavarman và Jayavarman đệ Thất. Phật giáo thời bấy giờ là Phật giáo Đại thừa (Māhayāna), hệ phái còn chịu ảnh hưởng nhiều các phong tục của Brahma giáo. Cũng bởi lý do đó mà vua Jayavarman đệ Thất cũng «đến được bàn chân của thần linh» khi ngài băng hà. Tên húy của ngài là «Mohabaromsokéatabat» (Mahāparamasugatapāda-មហា​បរមសុគត​បាទ) có nghĩa là «Đức vua được sinh về bàn chân của đức Phật cao cả». từ « Sokéatah» (Sugata-សុគត) trong tiếng Sanskrit có nghĩa là «an lạc»  còn được dùng để chỉ đức Phật.

Dưới giai đoạn Brahma giáo thịnh trị, người ta dùng từ «Préah Bat» gọi tên nhà vua sau khi đức vua đã băng vì «Préah Bat» là bàn chân của thần linh và chỉ khi băng hà thì nhà vua mới có thể sinh về bàn chân của thần linh. Đến thời kỳ sau Angkor, người ta dùng từ «Préah Bat» để gọi vua của người Khmer, từ khi ngài đăng quang và ngự trị. Vua Sihanouk được gọi là «Préah Bat Samdech Préah Barommneath Norodom Sihanouk». «Préah Bat» ngày nay không còn là bàn chân của thần linh nữa mà là bàn chân của nhà vua.

Nguyên nhân của sự khác nhau này là do, dưới thời kỳ Brahma giáo, Vua không phải là thần linh và cũng không phải là đẳng cấp cao nhất. Dưới thần linh là giai cấp Brahma (Bà La Môn), và kế đến mới là Đức vua. Khi ấy, xã hội được chia làm bốn tầng lớp: Brahma (Bà La Môn), Kshatriya (Vua), Vaishya (Địa chủ), Shudra (Kẻ làm lụng). Nhiều người nước ngoài hiểu nhầm rằng vua là thần linh (đại loại như vua của Trung Quốc là Con trời, hay một số dân tộc khác, Vua là thống lãnh tôn giáo) do cụm từ «Tevéhréach» (Devarāja-ទេវរាជ). Tất cả các vị vua có hiệu là «Man» (ម័ន) đều là người chứ không phải là thần thánh, như: Isanvarman, Jayavarman, ..., cho đến khi băng hà thì các vị ấy đều được đặt tên úy là «Préah Bat». Đến thời kỳ Phật giáo Hinayāna (Tiểu Thừa), người ta không chấp nhận có «Préah Bat», tức bàn chân của thần linh nữa. Các thần Brahma, Narayan, Ishura đều không còn là «Préah» nữa. Thậm chí, đức Phật (Buddha) cũng không thừa nhận mình là «Préah» nữa.

Sau thời kỳ Angkor, tức thời kỳ Phật giáo Hinayāna, Thần Brahma không còn tồn tại nữa. Vì không có Brahma, không có «Préah», không có thần thánh nào cả nên đức vua là cao nhất, tức  là một vị đức «Préah»«Préah Bat» không phải là bàn chân thần linh nữa mà là bàn chân của nhà vua.

Dù không còn là chân của thần linh nữa nhưng «Préah Bat» trong tiếng Khmer vẫn còn ý nghĩa hết sức trang trọng. «Préah Bat» là hình ảnh tượng trưng cho quyền lực của đấng đế vương. Cũng bởi lý do đó mà các vị vua của người Khmer đều đặt hiệu cho mình là «Préah Bat» khi lên ngôi. Trong xã hội của người Khmer, ngoài đức vua không ai có quyền được gọi là «Préah Bat» dù người đó có địa vị cao đến đâu đi chăng nữa, thậm chỉ, thái tử cũng không được phép gọi là «Préah Bat».

«Préah Bat» nghĩa là «chân». Theo nghi thức và phép tôn trọng, khi người Khmer tiếp xúc với nhà vua, họ sẽ tự gọi mình là «Khnhum kraom laorng thuly Préah Bat…»  (ខ្ញុំ​ក្រោម​ល្អង​ធូលី​ព្រះ​បាទ…), tức là người ta tự gọi mình là kẻ tôi tớ dưới cát bụi nơi bàn chân của đức vua. Câu nói này cũng không phải mới được sử dụng. Khi «Préah Bat» vẫn còn là chân của thần linh thì vào năm 606, do muốn trả thù cho người anh của mình bị kẻ khác sát hại, vị vua Ấn Độ tên là Harshavardhana (ហសិវរធនៈ) đã thề rằng: «Dưới bụi bàn chân của thần linh, tôi xin thề rằng nếu sau này tôi không tiêu diệt được bọn Khauta của vương quốc Bankhala, tôi sẽ nhảy vào ngọn lữa tự thiêu mình như con thiêu thân lao vào lữa ngọn đèn»  (Theo Alain Daniélou). Ở xã hội của người Khmer, hồi năm 713, đức vua Jayatevy (ជ័យ​ទេវី) thường dùng cụm từ «Kaom laorng thuly jerng korn radaing anh» (ក្រោម​ល្អង​ធូលី​ជើង​កន់​រ៉ាដែង​អញ - Dưới bụi chân của ta, kẻ hùng mạnh, tuyệt diệu). (Ngày nay, «Korn radaing» hay « Korn adaing» vẫn được người Khmer dùng nhưng chỉ để gọi trẻ con).

Trong cuộc sống thường nhật, người Khmer sử dụng từ «Préah Bat» hết sức thường xuyên. Khi người Khmer đồng ý với cái gì đó, họ nói «Bat» (បាទ). Khi nói chuyện với người có địa vị cao hơn hay với cách thức lịch sự, người Khmer gọi bản thân là «Khnhum Bat» (ខ្ញុំ​បាទ). Việc dùng từ «Bat» ám chỉ người nói tự hạ thấp địa vị của mình xuống dưới chân của người nghe. Việc đặt mình thấp hơn chân có nghĩa là thừa nhận người giao tiếp có địa vị cao hơn bản thân. Đây chỉ là sự thể hiện của phép lịch sự chứ không hề có nghĩa là đồng ý để người giao tiếp đặt chân lên đầu của mình, nó không phải là sự tự hạ thấp bản thân. Cũng như nhiều người hiểu lầm khi thấy tượng khắc Hoàng hậu Jayareach Tevy đặt đầu mình dưới chân của đức vua Jayavarman đệ Thất. Đó không phải là sự tự hạ thấp hay khinh bỉ người khác mà chỉ thể hiện thái độ lịch sự, tôn trọng người khác.

Và người ta cũng thấy rằng, vua người Khmer không bao giờ trả lời «Bat» mà trả lời là «Chas» (ចា៎ស) giống như từ trả lời dành cho nữ giới. Vua chúa người Khmer dùng từ dành cho giới nữ là sự tôn trọng truyền thống theo chế độ mẫu hệ của người Khmer, khởi thủy, vua chúa người Khmer đều là nữ giới.


Hơn nữa, chân không chỉ là hình tượng của quyền lực, đối với người Khmer, chân còn là hình tượng cho sự cao quý. Ngày xưa, người Khmer không thể hiện tôn trọng những người không có chân. Những người không có ngón chân hay không có cả bàn chân là những người không có giá trị trong xã hội. Zhou Daguan có viết rằng: «Tường thành có 5 cánh cổng và người ta chỉ cấm chó và những tội nhân đã bị cắt ngón chân vào mà thôi». Zhou Daguan cũng viết rằng, đức vua thời đó  là con rễ của đức vua trước đó. Ban đầu ngài là một vị tướng quân. Do đức vua hết mực yêu thương con gái nên cô công chúa đã trộm ngọc tỷ (con dấu của nhà vua) cho chồng và vị tướng quân đó lên làm vua. Vị hoàng tử của vua trước không được nối ngôi cha. Vị vua mới cho cắt tất cả ngón chân của hoàng tử và bắt giam vào ngục tối. Cuối cùng thì vị hoàng tử này cũng không thể làm được gì vì không có ngón chân.

0 Response to "Lịch sử dân tộc Khmer – Chương XVII - Préah Bat ở Srok Khmer"

Post a Comment

Most Popular

Most read this month