Như đã biết, mỗi vị vua Khmer đăng quang
đều tự đặt tên mới cho mình và họ dùng tên mới ấy để đặt cho tất cả các công
trình quan trọng mà mình xây dựng. Đức vua Jayavarman Đệ Thất (ជ័យវរ្ម័នទី៧) trị vì từ năm 1181 đến năm 1221 cũng
không ngoại lệ. Ngài cho xây dựng kinh đô mới trên nền kinh đô cũ đã bị hoan phế
do người Cham tàn phá hồi năm 1177. Ngài đặt tên kinh đô mới là Chey Srey (ជ័យស្រី) được lấy từ hiệu của Ngài là «Jay»( hay
Chey - ជ័យ) với ý nghĩa
là «chiến thắng» hay «vinh hiển» và
«Srey» (ស្រី) hay «Serey»
(សិរី) với ý nghĩa
là «cao quý hơn hết thảy» hay «tốt đẹp không chi sánh bằng» hay «hạnh phúc». Tiếng
Sanskrit gọi thành phố này là Nagara (នគរ), được Khmer hóa thàng Nokor. Thành phố này có diện tích rất
lớn nên người dân gọi thành phố này là «Nokor Thom» (នគរធំ) (Thom,
hay Thum trong tiếng Khmer nghĩa là lớn), và đối trọng, người ta gọi Vishnuloka
là «Nokor Toch» (នគរតូច) (Toch trong tiếng Khmer là nhỏ). Dần dà, người Khmer đọc lệch
«Nokor» thành «Angkor» và «Nokor Thom» trở thành «Angkor Thom» ngày nay.
Cũng như vậy, ở Kampuchea Krom, vùng
«Prey Nokor» (ព្រះនគរ - «Thành phố nhiều rừng») cũng được một số người (bình dân) gọi
là «Prey Angkor», có người nói nhanh chỉ nghe được «Prey» và «Kor». Âm «Kor»
trùng âm với từ có nghĩa là «Cây Gòn» nên có người Yuon hiểu nhầm «Prey Angkor»
là «Rừng Gòn».
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng
«Angkor» không phải là từ có nguồn gốc từ tiếng Sanskrit hay tiếng Khmer. Ông Henri Marchal trong cuốn Les Temples
d'Angkor thì cho rằng từ «Angkor» là cho người Âu Châu đặt. Ban đầu một giáo sĩ
người Tây Ban Nha tên Cristoval de Jacque, hồi năm 1570 viết tên thành phố này
là «Angkoy», đến năm 1672, một giáo sĩ người Pháp tên Chevreul viết tên ngôi đền
– tháp này là «Ongko» và đẹp ngang bằng với lâu đài của Giáo hoàng thành Rome.
Đến năm 1861, một người Pháp tên Henri Mouhot gọi công trình này là «Ongkor» và
sau đó, những nhà báo Pháp viết ại là «Angkor» trong một cuộc triển lãm tại
Paris hồi năm 1878.
Chey Srey hay Angkor Thom không phải là cung
điện, cũng không phải là đền tháp, «Chey Srey» là tên của một thành phố. Chey
Srey là một thành phố được bố trí có hệ thống bố trí như chiến thành với tường
thành làm bằng đá, cao 4 mét xung quanh. Thành có hình vuông với mỗi cạnh dài 3
km. Bao bọc tường thành là hệ thống hào nước rộng 100 mét. Thành phố mà trước
đó bị người Cham tàn phá không có hệ thống hào nước và tường thành làm từ gỗ với
diện tích nhỏ hơn.
Thành phố Chey Srey có năm cổng như nhau.
Có bốn cổng nằm đối diện nhau, một cửa đặt ngay giữa tường thành, hướng theo bốn
hướng. Cửa hướng Đông đối diện với của hướng Tây và cửa hướng Bắc đối diện với
của hướng Nam. Cửa thứ năm cùng nằm ở hướng Đông và hướng thăng vào hoàng cung.
Cửa này có tên là Chey Thvear (Jāyadvāra – ជ័យទ្វារ) tức là «Cửa của Jaya, tức đức vua».
Pháp dịch Chey Thvear thành «Porte de la
Victoire» tức «Cửa của sự chiến thắng». Cách diễn giải này là không phù hợp vì
Chey hay Jāya (ជ័យ) ở đây không ám có nghĩa là chiến thắng
mà là tên của Quốc vương. Cửa này chính là «Cửa của Jaya» tức là «Cửa của nhà
vua», «Cửa của Jayavarman Đệ Thất».
Hướng vào mỗi cổng là một con đường được
người ta lấp đất chắn hào nước, tạo thành lối đi. Hai bên lối đi là bức điêu khắc
lớn, khắc một bên là Devatā (Tevéada-ទេវតា - Thiên chúng) và một bên là Asura (Asor
-អសុរ - Atula)
cùng nhau kéo một con rồng (néak – Nāga – នាគ) rất lớn có bảy đầu. Ở cửa hướng Đông là
tượng thiên chúng cố gắng giành rồng từ Atula, của hướng Tây là tượng Atula cố
gắng giành rồng từ thiên chúng, ở hai bên cửa hướng Bắc và Nam cũng vậy.
Bên trong thành, đường dẫn từ của Đông đến
của Tây và đường dẫn từ cửa Bắc đến cửa Nam giao nhau tại trung tâm thành phố
và chia thành phố này thành bốn phần có hình vuông bằng nhau. Gốc Tây Bắc là
cung điện của nhà vua. Cung điện này cũng có năm cổng, với hai cổng ở hướng Bắc
và hai cổng ở hướng Nam, cổng thứ năm hướng về phía Đông ngay Chey Thvear. Cổng
thứ năm này cũng có tên là Jaya, tức tên của đức vua. Người ta cũng gọi con đường
này là «Vithy Jayavarman» (វិធីជ័យវរ្ម័ន - Jayavarman Lộ) hay «Préah Reach Vithy»
(ព្រះរាជវិធី-
Vương Lộ) chứ không ai gọi là «Thắng Lộ» như «Rue de la Victoire» cả.
Ngay giữa thành phố, nơi giao nhau giữa bốn
cánh cổng, người ta cho xây một ngôi tháp, ngày nay người ta gọi tháp này là
Tháp Bayon (បាយ័ន).
Vua Jayavarman theo Phật giáo Đại thừa (Mahāyāna).
Ngài thờ phượng cả Phật (Buddha - ព្រះពុទ្ធ) lẫn Bồ Tát (Bodhisatva -ព្រះពោធិសត្វ). Người ta tin rằng vua Jayavarman Đệ Thất
là bậc đã giác ngộ nhưng ngài chưa nhập cõi Niếp-bàn (Nivāna-និព្វាន) vì ngài muốn ở lại cõi người để cứu độ
nhân gian. Phật giáo Mahāyāna ví cõi người
như một «ngôi nhà đang cháy» và Préah Bodhisatva là người mang nhân loại ra khỏi
căn nhà, thoát khỏi bị lửa thiêu đốt.
Trên đỉnh Bayon, người ta khắc 216 gương
mặt Préah Bodhisatva là các vị được tôn thờ. Bodhistva này được gọi là
Lokesvara (លោកេស្វារៈ). Avalokitesvara (អវលោកិតេស្វរៈ) là vị Bodhisatva được thờ phổ biến
trong Phật giáo Mahāyāna, người
Yuon gọi vị Bodhisatva này là «Quán Thế Âm Bồ Tát».
Lokesvara (លោកេស្វារៈ) được ghép từ «Loka» (លោក) nghĩa là thế giới và «Isvara» (ឦឝ្វរ hay ឥស្វរៈ ឥស្សរៈ) nghĩa là lớn, cao cả ; Lokesvara nghĩa là «đấng lớn nhất
trong vũ trụ», ám chỉ bậc giác ngộ. (Brahma giáo thì Lokesvara là Phạm Thiên
Brahma). Bodhisatva của người Khmer tên là «Lokisvara Jayavarmasvara» (លោកិស្វរៈ
ជ័យវរ្ម័ស្វរៈ) tức
«Jayavarman Vĩ đại là Đấng Vĩ đại nhất».
Mặc dầu Jayavarman Đệ Thất theo Phật giáo
Mahāyāna nhưng ngài vẫn tôn thờ nhiều thần linh
của Brahma giáo. Người ta thấy có nhiều tượng thần của Brahma Giáo trong đền
Bayon như Préah Vishnu, Préah Shiva,…
Vua Jayavarman Đệ Thất có một Hoàng hậu
là con của một Brahma (Bà La Môn) có nguồn gốc từ Ấn Độ. Các bia đá có khắc lại
rằng Brahma đó có tham gia lễ tế máu cùng với vị quốc sư.
Tại sao vua Jayavarman Đệ Thất lại cho
xây Tháp Bayon? Đây cũng là truyền thống Brahma Giáo như Vua Soryéavarman Đệ Nhị
xây Vishnuloka vậy.
Nguyên nhân thứ nhất xây ngôi tháp này là
để dân lên đức Phật và các vị Bodhisatva để được các phước báu. Nguyên nhân thứ
hai là dùng để làm nơi an táng hài cốt của đức vua và cũng là cõi Phật với ý
nghĩa là đức vua, sau khi băng, đã thoát khỏi mọi cảnh khổ đau, luân hồi, được
sinh về cõi Niếp-bàn.
Thật sự thì hài cốt của đức vua cũng được
người ta an táng ngay trên đỉnh cao nhất của ngôi tháp này, cũng tương tự trường
hợp của vua Soryéavarman Đệ Nhị cũng được an táng trên đỉnh cao nhất của
Vishnuloka. Cũng như Soryéavarman Đệ Nhị, vua Jayavarman Đệ Thất cũng được người
ta khắc thành một bức tượng Phật lớn ngự trên Rồng Mucilinda (មុចិនិន្ទ) có bảy đầu xòe ra che chắn, bảo vệ ngài
khỏi mưa nắng. Tượng này được người ta thờ ở vị trí cao nhất trong tháp Bayon. Tượng
vua Jayavarman Đệ Thất dưới hình ảnh của Đức Phật cao 3.60 mét này bị người ta
đập phá và lật đổ xuống hồ nước trong tháp trong cuộc chiến tranh tôn giáo. Năm
1935, Ông Georges Trouvé tìm thấy bức tượng đổ bể này và cho phục hồi lại. Hiện
nay bức tượng này được đặt ở hướng Bắc của đường từ Hoàng cung dẫn ra ngoài.
Nhiều người lầm tưởng rằng bức tượng này
là tượng Phật, thực chất tượng này là tượng vua Jayavarman Đệ Thất. Trong ngôn
ngữ điêu khắc của người Khmer, đức vua được thể hiện bằng hình ảnh của đức Phật
có ý nghĩa là đức vua là người thực hành tốt đẹp giáo lý của Phật giáo và đức
vua đã được sinh về cõi Phật sao khi nhập tịch. Cũng vì lý do đó, sau khi băng,
vua Jayavarman Đệ Thất được đặt tên húy là Mohabaromsokéatabat (Mahāparamasugatapāda
- មហាបរមសុគបាទ) với ý nghĩa là «Đã đến chân của đức Phật
là đấng vi diệu». Với ý nghĩa này, tháp Bayon là noi an táng đức vua Jayavarman
Đệ Thất. Chung quy, tháp Bayon có nghĩa là cõi của chư Phật và là nơi người ta
an táng đức vua Jayavarman Đệ Thất. Có ý kiến cho rằng Bayon là một hầm mộ như
các hầm mộ ở Âu Châu là không đúng.
Về nghệ thuật kiến trúc thì Chey Srey là
hình ảnh tượng trưng cho 2 thứ:
Chey Srey là hình ảnh một
thế giới
Chey Srey là thành phố đại
diện cho nơi cung cấp nguồn sống trường tồn, bất diệt cho toàn dân tộc Khmer.
Chey Srey là hình ảnh một thế giới
Jayavarman Đệ Thất xây dựng Chey Srey
theo mô hình của vũ trụ. Theo Brahma Giáo, thì vũ trụ có trung tâm là núi Préah
Sumeru, và xung quanh là bảy châu (Dvipa) bị chia cắt bởi các biển. Bên ngoài
vũ trụ là các dãi núi cao chót vót bao bọc, không gì có thể đột nhập được.
Chey Srey có:
Tháp Bayon ở giữa là hình
ảnh của núi Préah Sumeru.
Nước hồ xung quanh tường
lành là nước biển.
Tường thành là núi bao bọc
vũ trụ.
Đức vua Jayavarman Đệ Thật tự ngài đặt
tên hào nước xung quanh Chey Srey là «Chey Santhu» (ជ័យសន្ធុ) (Sanddhu có nghĩa là biển) sâu đến tận
cõi của Rồng (Nāga -នាគ) Veasoke (Vāsuki-វាសុកិ). Còn tường thành đươc ngài đặt tên là
«Chey Kiri» (ជ័យគីរី) (Kiri là
núi) là hình ảnh của ngọn núi bao bọc vũ trụ, cao đến trời. Tất cả các từ này
được khắc trên bia đá đặt ở bốn ngọn tháp ở bốn gốc thành phố Chey Srey.
Chey Srey là thành phố đại diện cho nơi
cung cấp nguồn sống trường tồn, bất diệt cho toàn dân tộc Khmer.
Chey Srey là hình ảnh đại diện cho nơi
người ta «Khoáy biển sữa để lọc nước cam lồ (ទឹកអម្រឹត)». Thành phố Chey Srey là nguồn ban phát
nước Cam lồ cho Quốc vương Khmer, cho Vương quốc Khmer và cho Toàn dân Khmer
thoát khỏi cảnh chết chóc.
Theo truyện Mahābhārata (មហាភារតៈ), một thiên truyện cổ của Ấn Độ, một
ngày nọ thần Vishnu ra lệnh cho thiên chúng (Devatā-ទេវតា) và atula (Asura-អសុរៈ) cùng nhau khuấy biển sữa để tạo ra nước
«cam lồ» (អម្រឹត - Amrita hay
Amata tức sự trường tồn), khi ai uống nước cam lồ này sẽ không chết. Thành phố
Chey Srey có:
Tháp Bayon là đại diện
hình ảnh Núi Muntéaréah (Mandara-មន្ទរៈ) là cột trụ để khuấy biển sữa.
Rồng bảy đầu ở các cổng
là rồng Veasoke (Vāsuki), tự mình làm sợi dây để thiên chúng
và atula quấn quanh Núi Muntéaréah (tháp Bayon) và kéo qua lại để lọc nước biển
sữa. Riêng con rùa tên Kumi (Gūmi-គូមិ) là một hóa thân của thần Vishnu chống đỡ Núi Muntéaréah nằm
trong lòng đất, không thấy được nên không được thể hiện ở đây.
Quy tụ lại:
Tên nguyên thủy của Angkor Thum không phải
là Nokor Thum. Tên nguyên thủy của nó là Chey Srey (ជ័យស្រី). Chey Srey là Thủ đô. Chey Srey là một
Thành phố. Chrey Srey được xây dựng theo mô hình của vũ trụ và cũng là mô hình
của cổ máy tinh lọc nước biển sữa để tạo nước Cam Lồ (nước bất tử). Tháp Bayon
vừa là hình ảnh tượng trưng Núi Préah Sumeru (trung tâm vũ trụ) và là Núi
Muntéaréah (cột trụ lọc nước biển sữa lấy nước Cam Lồ)
0 Response to "Lịch sử dân tộc Khmer – Chương XVI - Chey Srey hay Angkor Thom"
Post a Comment