Lịch sử dân tộc Khmer - Chương XI Devarāja – Thiên Vương

Tevéah Reach - Devarāja – Thiên Vương

Trong tiếng Saṅskrit «Deva»  (ទេវ-Tevéah) có nghĩa là «thần linh» còn Rāja (រាជ-Réach) có nghĩa là vua chúa. «Thiên Vương» là một phạm trù văn hóa, tôn giáo, chính trị mà theo đó vua chúa chính là thần linh. Thông thường, con người luôn luôn có ước muốn được trở thành thần linh hoặc được sống gần với thần linh, hoặc chí ít cũng được sống dưới sự bảo trợ của đấng thần linh.

Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ XIV, vua của người Khmer đều là người có nguồn gốc từ Ấn Độ hoặc xuất thân từ dòng dõi có nguồn gốc từ Ấn Độ. Cấu trúc nhà nước đều được sắp xếp theo kiểu Ấn Độ, tôn giáo cũng được du nhập từ Ấn Độ, và thời bấy giờ là Brahma giáo. Mỗi vị vua của người Khmer đều chọn một vị thần làm vị thần bảo vệ cho mình.

Thông thường vua Khmer sẽ lấy tên của vị thần đó và thêm chữ «Varman» (វរ្ម័ន) phía sau làm niên hiệu cho mình. Nếu vị vua đó lấy Thần Intréah (Indra) làm vị thần hộ mạng cho mình thì ngài sẽ lấy niên hiệu là «Intréah Varman» (ឥន្ទ្រ​វរ្ម័ន – Indravarman). «Varman» (វរ្ម័ន) được ghép bởi 2 từ «Vara»  (វរ) là từ thuộc tiếng Saskrit, nghĩa là sự bảo vệ hay bảo vệ và từ «Man» (ម៉ាន hay​ ម័ន) là từ thuộc tiếng Dravida (ទ្រាវិធ), có nghĩa là con người hay người. (từ «man» trong tiếng Anh cũng có nguồn gốc từ từ này). «Intréah Varman» có nghĩa là «Người được thần Indra bảo vệ». Cũng tương tự như thế «Sorya Varman»  là «Người được thần Suryā hay thần Mặt trời bảo vệ», …

Ban đầu, Brahma giáo ở srok Khmer, người ta rất tôn kính thần linh. Vua của người Khmer có đẳng cấp là Thiên Vương chứ không phải là thần linh. Chi tiết có «Man» trong niên hiệu của các vị vua chứng tỏ rằng vua vẫn là người chứ không phải là thần thánh và có địa vị thấp hơn tất cả các vị thần.

Thần Sivéah (សិវៈ-Shiva) được nhiều vị vua sử dụng nhất. Người Khmer gọi thần Shiva là «Isor» (ឥសូរ), tuy gọi là «Isor» hay «Shiva» gì đi chăng nữa thì đó cũng không phải là tên thật của vị thần này. «Shiva» chỉ là tên gọi tránh kỵ húy mà thôi, tên thật của vị thần này là Āna (អាន). Do người ta quá tôn kính vị thần này nên hầu như người ta không dám gọi đúng tên của ngài là Āna mà phải gọi bằng các tên khác như Isan (ឥសាណ-Isāṇ), Srǒtéah (ស្រុទៈ-Sruda), Reachintréah (រាជិន្ទ្រ-Rājindra), Mohintréah (មហិន្ទ្រ-Mahindra), … Các vị vua của người Khmer cũng có các tên là như Isan Varman (ឥសាណ-Isāṇvarman), Srǒtéah Varman (ស្រុទៈ-Srudavarman), Reachintréah Varman (រាជិន្ទ្រ-Rājindravarman), và Mohintréah Varman (មហិន្ទ្រ-Mahindravarman).

Ngoài sử dụng tên các vị thần, các vị vua của người Khmer còn dùng các tên khác có ý nghĩa là các tính chất tiêu biểu để đặt niên hiệu cho mình như : Chey (ជ័យ-Jaya), Peavéah (ពាវៈ​-Bāva), Chresthah (ជ្រេស្ថៈ​-Jesdha hay Jresdha) lần lược có các nghĩa là «Chiến thắng», «Trường tồn», và «Đẳng cấp tốt đẹp», … Cũng bởi lý do này mà vua của người Khmer cũng các tên là Chey Varman (ជ័យ​វរ្ម័ន​-Jayavarman), Peavéah Varman (ពាវវរ្ម័ន-Bavavarman), Chresthah Varman (ជ្រេស្ថវរ្ម័ន-Jresdhavarman), …

Tên các vua của người Khmer cũng được các vị vua của Ấn Độ sử dụng, như dòng họ vua xứ Gupa và vương quốc Vijaya (vijayanagara), và các tên này cũng được quốc vương của những quốc gia thừa hưởng nền văn hóa Ấn Độ sử dụng làm niên hiệu như Champa, và Indonésie.

Trong Brahma giáo thì thần linh là đấng cai quản mọi thứ trên thế giới. Các vua của người Khmer cũng có ý muốn là đấng thống trị toàn thế giới, điều này cũng có thể phần nào giải thích được lại sao vương quốc của người Khmer không có biên giới, nó rộng, trãi dài khắp trái đất.

Năm 802 Tây lịch, Vua Jayavarman Đệ Nhị đã tuyên bố ngài là «Chakraveatin» (ចក្រវា​ទិន-Cakravātina) (từ này sau này được đọc là Chakrapit - ចក្រពិត្ត), có nghĩa là vị vua thống trị toàn thế giới. Tuyên bố này được Ngài thực hiện trong một buổi lễ long trọng được tổ chức tại núi Mohintréahparavort (មហិន្ទ្រ​បរវត្ត-Mahindraparavatta), tức Núi của Thần Shiva, nay là núi Koulen thuộc tỉnh Siem Riep. «Charka» có nghĩa là bánh xe, Ngài tự nhận mình là một «Chuyển luân thánh vương», tức là đức vua xoay chuyển bánh xe giáo pháp của Brahma giáo.

Jayavarman Đệ Nhị không phải là vị vua duy nhất có địa vị cao quý này. Vua Khmer ở Angkor Borey cũng có địa vị tương tự địa vị này. Vua Rutréah Varman (រុទ្រវរ្ម័ន-Rudravarman) được gọi là «Sarahvéahvéahphum»  (សារវវភូម-Sāravavabhuma) tức «Chúa tể của toàn thế giới». Sự kiện này được khắc trên một bia đá được tìm thấy ở bờ sông Mun, nay thuộc phía Đông Thái Lan. «Chakraveatin» đầu tiên nhất chính là vua Bharatta, con của vua Risabha của Ấn Độ, người thành lập đạo Jaina (Jaïnisme, Yuon gọi là Kỳ-na giáo), là tôn giáo chủ trương «Bất hại» (អហិង្សា-ahiṃsā).

Jayavarman Đệ Nhị là vị vua đầu tiên của người Khmer có địa vị là «Thánh Vương»  (ទេវរាជ-Devarāja). Ông Claude Jacques dịch từ này là «Thần linh là vua», cũng theo ông này thì ở vương quốc Khmer, thời bấy giờ người ta tôn kính vua chúa như thần thánh vậy. Điều này khiến những người không hiểu văn hóa Khmer, không biết về Brahma giáo hiểu nhầm rằng vua của người Khmer có quyền lực tối cao, và tuyệt đối.

Như đã đề cập ở trên, mỗi vương hiệu đều có chữ «man» ở sau, điều này chứng minh rằng, vua của người Khmer chỉ là con người bình thường nhưng lại có địa vị tương đương với thần thánh. Việc thờ kính vua như tôn thờ thần thánh (Culte de Dieu-Roi) không tồn tại ở thời kỳ này. Trong tiếng khmer «Thánh Vương»  (ទេវរាជ-Devarāja) chỉ có nghĩa là «vua được sinh ra vào có mối quan hệ với thần linh»  mà thôi. Thần linh là có thật và ngự trên trời. Bởi thế, người ta cho rằng cái chết của nhà vua là cuộc hành trình của ngài đến gặp thần linh hoặc chí ý cũng đến được cõi mà thần linh sinh sống. Theo Brahma giáo, việc đến gặp thần linh là việc đi đến bàn chân của thần. Tên hiệu của các vị vua (được đặt sau khi chết) cho thấy các vị vua ấy đều đến được chân thần linh hoặc đến được cõi thần linh. Vua Jayavarman Đệ Nhị được đặt tên là «Barum Ivvarah bat»  (បរម​ឥវ្វរៈ​បាទ-Paramaivvarapāda) sau khi ngài băng, và tên này có nghĩa là «Vua đã đến được chân (pāda  -បាទ) của thần Shiva (Ivvara - ឥវ្វរៈ) hết sức vi diệu (Paramā-បរម៉ា)» . Vua Soryéah Varman Đệ Nhị (សុរិយ​វរ្ម័ន-Soryavarman) cũng được đặt tên là «Barum Vishnulokah» (បរម​វិស្ណុ​លោកៈ-Paramaviśṇnuloka) có nghĩa là «Đã đến cõi (Loka-លោកៈ) của thần Vishnu vi diệu». Vua Jayavarman Đệ Thất (ជ័យ​វរ្ម័ន​ទី៧) thì được sinh về cõi Phật Đại thừa (Mahāyāna) cũng được đặt tên là «Mohabarum Sokéatabat»  (មហា​បរម​សុគត​បាទ-Mahāparamasugatapāda) có nghĩa là «Được đến được bàn chân của đức Phật (សុគត-Sugata có nghĩa là Đấng đã đạt đến cảnh cực lạc – tức đức Phật) là đấng vĩ đại và vi diệu».

Dưới thời Brahma giáo, các vị vua hết sức sùng đạo và tất cả đều có một ước nguyện chung là «được trở về với đại bản thể của vị thần linh» mà họ chọn lựa làm thần hộ mạng. Trong cuốn «Pheakéavéatakita»  (ភាគវត​គិត​-Bhāgavad Gitā - भगवद् गीता) có viết như sau:

«Ngươi phải nhớ đến ta 
Thờ cúng ta, cầu nguyện ta
Chính là ta, ngươi phải nhập vào 
Cùng hòa vào cơ thể ta
Tất cả, chỉ có mình ta» 

Theo Sri Aurobindo trong cuốn Bhagvad Gità thì «Hoà vào cơ thể» trong Brahma giáo có nghĩa là người ta đi đến đấng thần linh và tránh khỏi cuộc sống của trần thế, và thoát khỏi bánh xe luân hồi, sinh tử không dứt và là sự khổ đau của loài người. Tóm lại, việc «hòa vào cơ thể thần linh»  chính là đạt đến cõi Niếp-bàn và nơi mà người ta có cuộc sống bất tử.

Để cho người dân thấy rằng đức vua của họ đã đi đến cõi thần thánh, đã đến cõi Niếp-bàn, người ta thường khắc tượng của đức vua và thờ phượng như một vị thần. Tượng thần Vishnu được thờ trên đỉnh cao nhất của đền Angkor, sau khi người Khmer theo Phật giáo đã bị phá hủy thực chất không phải là tượng thần Vishnu mà là tượng của vua Jayavarman Đệ Nhị trong hình tượng ngài đã đồng bản thể với thần Vishnu. Cũng như vậy, tượng Phật cao 3.6 mét mà những người theo đạo thần Shiva đánh đổ và ném xuống hồ sau tháp Bayon không phải là tượng Phật (theo Henri Marchal) mà là tượng của Đức vua Jayavarman Đệ Thất. trong tình tượng ngài đã về với Đức Phật và đã thực hành đầy đủ các pháp của nhà Phật.

Truyền thống khắc tượng vua chúa giống như thần thánh của người Khmer vẫn tồn tại đến ngày nay.

Trong ngôi Vihear Keo, nằm trong Hoàng cung ở Phnom Penh, người ta thấy tượng vua Norodom Đệ Nhất được khắc bằng vàng đứng cùng với các tượng Phật khác. Hình tượng này đơn thuần chỉ cho thấy rằng vua Norodom là một Phật tử thuần thành.


Người nước ngoài không hiểu rõ ý nghĩa của các bức tượng và văn hóa Khmer, khi thấy tượng các vị thần trong đền tháp của người Khmer liền cho rằng đền, tháp đó được xây cất nhằm thờ cúng vị thần đó chứ không hiểu rằng đó là tượng của đức vua, người thuần thành với vị thần đó. Người Pháp gọi tháp Angkor và gọi là «Đền Angkor»  hay «Temples d’Angkor» chính là một sự sai lầm lớn. 

0 Response to "Lịch sử dân tộc Khmer - Chương XI Devarāja – Thiên Vương"

Post a Comment

Most Popular

Most read this month