Lịch sử dân tộc Khmer – Chương XV Vishnuloka hay Angkor Wort

Wort hay có người viết là Wat (វត្ត) là từ mượn từ tiếng Syam có nghĩa là nơi ở của tu sĩ của Phật giáo, tức chùa. Angkor Wort (អង្គរ​វត្ត) có nghĩa là chùa Phật giáo ở Angkor.

Thực tế Angkor Wort không phải là một ngôi chùa, và Angkor Wort cũng không phải là một công trình kiến trúc Phật giáo. Công trình này là công trình kiến trúc đẹp nhất và nổi tiếng nhất của người Khmer, được xây dựng dưới thời của vua Soryéahvarman Đệ Nhị (Suryavarman The Second - សុរិយវរ្ម័នទី២), trị vì từ năm 1113 đến năm 1150 Tây lịch.

Angkor Wort không phải là đền
«Temple» trong tiếng Anh «Đền» là một công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thần hay một danh nhân đã quá cố.

Angkor Wort là một công trình xây dựng không chỉ là nơi ở cho hoàng gia mà còn có đầy đủ các chức năng quân sự, chiến đấu, phòng vệ.

Căn cứ vào những đặc điểm này, không thể gọi Angkor Wort là đền. Angkor Wort là một cung điện hay chí ít là một lâu đài.

Tên nguyên thủy của ngôi đền – tháp này là «Vishnuloka» (វិស្ណុលោកៈ) có nghĩa là «cõi của thần Vishnu hay thần Neareayn (Nārāyana - នារាយណ៍)», vị thần lớn nhất trong Brahma Giáo.

Sau 100 năm chiến tranh khốc liệt giữa Phật giáo và Brahma giáo, Phật giáo giành chiến thắng và trở thành tôn giáo thống trị vào năm 1336. Brahma Giáo bị tiêu diệt hoàn toàn. Đến năm 1434, Ponheayat (ពញាយ៉ាត) lên ngôi vua, lấy hiệu là Soryaupsah (សុរិយោព្ស័), đóng đô tại Phnom Penh, từ bỏ hoàn toàn Angkor. Tất cả các ngôi tháp này đều bị bỏ hoang, một số thì bị quên lãng trong rừng sâu, một số khác được các tu sĩ Phật giáo sử dụng làm nơi ở, hoặc thay đổi làm chùa. Ngôi tháp Vishnuloka cũng bị tu sĩ Phật giáo sử dụng

Tượng của vua Soryéahvarman Đệ Nhị, được người ta tôn kính như tượng của Thần Vishnu và thờ trên ngọn tháp cao nhất bị người ta lật đổ, phá hủy hoàn toàn, và người ta lấy tượng Phật đặt thay vào vị trí đó. Người ta cũng mang hằng trăm tượng Phật vào đặt khắp nơi trong đền – tháp Vishnuloka. Khi chỉnh sửa lại ngôi đền – tháp này, người ta mới mang những bức tượng này đặt cùng một chỗ mà ngày nay được gọi là cổng «Préah Pon» (ព្រះពាន់), có nghĩa là «Ngàn tượng Phật».

Người ta cũng xây hai ngôi đền chặn cửa ra vào ngôi đền – tháp Vishnuloka ở tầng dưới cùng. Sau đó, hai ngôi đền này được mang ra khỏi vị trí, ngày nay chúng một nằm ở phía bắc và một ở phía nam của. Hai ngôi đề này mới chính là Wort (Chùa), và ban đầu người ta gọi hai ngôi đề này là « Wort Angkor» (វត្តអង្គរ​) có nghĩa là «Chùa ở Angkor». Sau này «Wort Angkor» được gọi là «Angkor Wort» và trở thành tên gọi mới của đền – tháp Vishnuloka.

Về nguồn gốc xây dựng đền – tháp Vishnuloka, người ta có truyền thuyết như sau:

Từ rất xa xưa, ở vương quốc Khmer có một chàng hoàng tử tên là «Ketomealea» (Ketumala - កេតុមាលា) (Ketu nghĩa là ánh sáng, mala có nghĩa là vòng, vòng đeo cổ, Ketumala có nghĩa là vong đeo cổ có ánh sáng chói rực), thường được gọi là Préah Ketomealea. Vị ấu vương này đẹp đẽ lạ thường và vô cùng thông minh, sáng dạ. Những phẩm chất này là cho Préah Indra yêu thích, Ngài mang vị hoàng tử trẻ này lên cõi trời cùng sống với Ngài. (Cũng có truyền thuyết cho rằng Préah Ketomealea chính là con trai của thần Indra. Một lần thần Indra xuống dạo chơi trong một khu vườn trong vương quốc Khmer, Ngài thấy một cô gái Khmer và đem lòng yêu mến và có một hoàng tử với nàng). Nơi đó, có rất nhiều cung điện lộng lẫy, tuyệt đẹp không gì sánh bằng. Thời gian trôi qua, hoàng tử Ketomealea lớn dần và hơi con người cũng mạnh dần làm ảnh hưởng đến các tiên nữ, các nữ thần. Thần Indra đàng phải cho chàng trở lại vương quốc Khmer ở cõi người. Do quá yêu thương Préah Ketomealea, Thần Indra bảo Ngài sẽ xây cho một tòa lâu đài giống như tòa lâu đài nào mà Préah Koetomealea thích. Để tránh bị các vị thần khác ganh ghét vì dám đòi hỏi với thần linh, Préah Ketomealea chọn «Chuồng bò» của thần Indra. Thần Indra ra lệnh cho thầh Pishnuka (Pishnuka - ពិស្ណុកា - xuất phát từ Vishnuloka -វិស្ណុលោកៈ, người Khmer biến phụ âm "v" trong tiếng Sanskrit thành âm "p", hoặc "ph") là vị thần kiến trúc xây dựng chuồng bò này, con người gọi công trình kiến trúc này là cung điện và đặt tên là «Vishnuloka».

Truyền thuyết này làm cho người Khmer tin rằng, ngôi đền – tháp này được Thần Indra xây dựng nên.

Vishnuloka không phải là hoàng cung và cũng không phải là chuồng bò. Ngôi đền – tháp này là cõi của thần Vishnu, như tên gọi của nó. Vua Soryéahvarman Đệ Nhị cho xây dựng ngôi đền – tháp này với hai mục đích chính:

Thứ nhất: Công trình này được xây dựng để dân lên thần Vishnu để được hưởng phước báu trong đời này cũng như đời sau, cũng vì lý do này mà đức vua đã nhiều lần tiến hành lễ dâng đền – tháp lên thần và các sự kiện này đều được ghi lại trên các bia đá ở khu vực này. Tuy vậy, Vishnuloka không phải là đền cũng không phải là nơi thờ phượng thần thánh như chùa Phật giáo.

Thứ hai: Công trình này được xây dựng để đức vua có thể được sinh về cõi của thần hoặc đến được cõi của thần khi ngài băng. Đến cõi thần tức là được gần với thần. Cũng vì lý do này mà người ta cho an tang Vua Soryéahvarman Đệ Nhị ngay giữa ngọn tháp trung tâm, cao nhất trong đền – tháp Vishnuloka. Cũng bởi vậy mà sau khi băng hà, Vua Soryéahvarman Đệ Nhị được đặt tên húy là Baromvishnulokah (Parama Vishnuloka – បរម​វិស្ណុលោកៈ), với ý nghĩa là «Đức vua muôn vàng vi diệu đã sinh về cõi thần Vishnu».

Như đã biết «sinh về cõi thần linh» hay «Được nhập vào đại bản thể của thần linh» trong Brahma giáo có nghĩa là đã thoát khỏi vòng sinh tử, không còn phải chịu các nghiệp chướng nữa và được hưởng một cuộc sống bất diệt.

Để khẳng định đức vua đã sinh về cõi thần người ta khắc một bức tượng đức vua thật lớn có hình dáng và các đặc điểm của thần Vishnu và đặt trên đỉnh của ngọn tháp cao nhất của Vishnuloka. Nhiều nhà nghiên cứu người nước ngoài nhầm lẫn cho rằng tượng này là tượng thần Vishnu và cho rằng Vishnuloka là đền thờ thần Vishnu. Điều này chứng tỏ những nhà nghiên cứu này không am hiểu về nghệ thuật điêu khắc của người Khmer, với những đặc điểm chuyên biệt khác xa mọi dân tộc trên thế giới.

Về hình dáng của các kiến trúc đền – tháp, người Khmer xây dựng theo hai kiểu: đền – tháp được xây trực tiếp trên nền đất, và đền – tháp được xây dựng cao như núi. Những tháp xây trực tiếp trên đất là những tháp được xây trên nền thấp, cách mặt đất khoảng 0.70 mét. Những đền – tháp này được các vị vua xây để tưởng nhớ đến cha mẹ hay vị tiên đế nào đó. Các đền – tháp Préah Ko, Kravan, … đều thuộc loại này.

Loại đền – tháp có hình dáng như núi là loại đền – tháp đức vua tự xây cho mình khi còn trị vì. Vishnuloka là đền – tháp thuộc loại này. Đền – tháp này là đền – tháp đồ sộ nhất và đẹp nhất của người Khmer. Ngôi đền – tháp này cũng nổi tiếng thuộc hàng đầu thế giới. Ngôi đền – tháp này có 5 đỉnh cao, và người Khmer qua mọi chế độ đều sử dụng hình ảnh này trên quốc kỳ của mình.

Nhiếp ảnh gia người Mỹ, John Thompson cho rằng ngôi đền – tháp là một ngọn Préah Sumeru, và ông Coedes khẳng định năm đỉnh của ngôi đền – tháp chính là năm đỉnh của núi Préah Sumeru. Thực ra, năm đỉnh (con số 5) tượng trưng cho thần Vishnu, với ý nghĩa thần đại diện cho năm hướng của vũ trụ, mỗi ngọn tháp cũng là một hình ảnh của thần Vishnu trong ý nghĩa tượng trưng cho năm loại vật chất là: nước, đất, lửa, gió, và không khí.

Vishnuloka có hình dạng như một ngon núi với nhiều tầng phía trên. Núi này có tên gọi là «Phnum Kailasa», điều này được các nhà điêu khắc Khmer chỉ rõ trên các bức chạm khắc trên vách đền – tháp Bayon, và trên của đền – tháp Banteay Srey. Núi Kailasa là nơi ngụ của thần Shiva khi thần từ cõi trời đi xuống.

Vishnuloka không phải là núi Préah Sumeru. Theo ý nghĩa tôn giáo, hình dạng của ngôi đền – tháp này làm cho người ta tưởng nhớ đến và tôn kính thần Shiva.

Việc tôn kính Shiva trong một công trình được dâng cho thần Vishnu hay Narayana hoàn toàn không có gì lạ lẫm do thần Shiva hay Vishnu gì đi chăng nữa cũng chỉ là các hình dạng của một vị thần tối cao, đó là thần Brahma.

Người ta cũng hết sức ngại nhiên và đặt nhiều giả thuyết về vấn đề tại sao Shivaloka là ngôi đền – tháp duy nhất của người Khmer hướng về phía Tây. Đức vua Soryéahvarman Đệ Nhị muốn chứng tỏ đây là nơi an tang ngài? Ngoài ý nghĩa hướng Tây là hướng của thần Vishnu, hướng Tây trong văn hóa của người Khmer là hướng của người chết. (Đông – Kert (កើត) là hướng sinh, Tây – Lech (លិច) là hướng tử, Nam – Tbong (ត្បូង) là hướng đầu, Bắc – Jerng (ជើង) là hướng của chân). Tất cả các cung điện của vua chúa đều được xây theo hướng Đông, là hướng Mặt Trời mọc, hướng của vạn vật sinh sôi nãy nở.

Kỹ sư người Hà Lan, Bosch nhận thấy rằng, bức trạm khắc trên vách tầng bên dưới miêu tả về lịch sử dân tộc Khmer và các truyền thuyết khác, người ta khắc xung quanh tháp theo hướng từ phải sáng trái, ngược với chiều kim đồng hồ. Muốn đọc hết nội dung và hiểu ý nghĩa của một câu truyện, người đọc phải bước vào từ của Tây, đi vòng sang phía bên phải, đi về hướng Đông rồi đến hướng Bắc rồi vòng về hướng Tây, trở lại vị trí ban đầu.

Nếu đi theo kiểu này thì người tay trái của người đi nằm phía bên trong, hướng về phía ngọn tháp lớn ở trung tâm, kiểu đi này theo truyền thống Ấn Độ được gọi là Prasavya (Di chuyển theo hướng tay trái - ប្រសវ្យ - प्रसव्य), là kiểu di chuyển khi rước đám tang. Prasavya là kiểu di chuyển ngược với Pradaksina (Kiểu di chuyển vòng theo tay phải -ប្រទាក់សិន - प्रदक्षिण) là kiểu di chuyển được vùng trong các đám rước thần thánh, khi đó, tay phải sẽ hướng vào phía bên trong, tức hướng của thần linh.

Tựu chung, Angkor Wort không phải là Wort (chùa). Tên nguyên thủy của ngôi đền – tháp này là Vishnuloka. Ngôi đền – tháp này không phải được xây dựng để làm công trình kiến trúc Phật giáo mà hoàn toàn dành cho Brahma giáo. Ngôi đền – tháp (hay gọi đúng hơn là lâu đài) này không phải là đền thờ (vihāra) để thờ cúng thần thánh. Ngôi đền – tháp này được chính đức vua Soryéahvarman Đệ Nhị xây để dâng lên thần Visnhu để được phước báu cho ngài. Ngôi đền – tháp này tượng trưng cho cõi của thần Vishnu ở cõi người. Cuối cùng, ngôi đền – tháp này là noi an táng đức vua Soryéahvarman Đệ Nhị với ý nghĩa đức vua đã đến được cõi của thần Vishnu, ngài đã thoát khỏi mọi sự khổ đau, sinh – tử luân hồi và có cuộc sống bất diệt.

Vishnuloka là Cõi của thần Vishnu.

Vishnuloka là nơi mai táng đức vua Soryéahvarman Đệ Nhị

0 Response to "Lịch sử dân tộc Khmer – Chương XV Vishnuloka hay Angkor Wort"

Post a Comment

Most Popular

Most read this month