Yéasauvarman Đệ Nhất (Yasovarman
- យសោវរ្ម័នទី១) trị vì từ năm 889 đến
năm 900 Tây lịch. Ngài là một vị Đại vương trong số các vua chúa nổi bậc của
người Khmer. Yéasauvarman là vị vua đầu tiên đóng đô ở khu vực mà ngày nay là
«Angkor» (អង្គរ). Ngài xây dựng kinh đô mới đặt tên là Yéasauthearéaburéah
(Yasodharapura – យសោធរៈបុរៈ) theo tên của Ngài theo truyền thống của
người Ấn Độ. Thành phố này có nghĩa là Thành phố ủng hộ Yéasau (Yéasau
là tên vua, Thearéah nghĩa là bảo vệ và Boréah nghĩa là Thành phố).
Ngài chọn Núi Bakheng, có
độ cao khoảng 70 mét làm trung tâm thành phố của ngài và đặt tên là «Phnum
Kandal » (Trung Sơn - ភ្នំកណ្ដាល). Trên đỉnh núi này,
ngài cho xây dựng một ngôi đền – tháp
dâng thần Shiva, thức thần Isura, hay Indra và đặt tên là Sevéaloka ( Śivaloka-
សិវៈលោកៈ) có nghĩa là «Cõi của Thần Shiva».
Tháp Sevéaloka được khắc
trực tiếp trên đỉnh núi Bakeng và được trang trí bằng đá tảng đã khắc và sắp xếp
lại.
Tháp này có hình chóp tứ
giác điều, tức có đáy hình vuông và một đỉnh tháp nhọn phía trên và có 5 tầng.
Tầng trên cùng, người ta
sang bằng đỉnh núi tạo thành một nền có 4 cạnh, mỗi cạnh dài 47 mét. Trên nền
này, người ta dựng một bệ như ngai vàng cao 1.46 mét và mỗi cạnh dài 31 mét.
Trên bệ này có trưng 5 ngọn tháp, với 4 ngọn ở bốn góc và một ngon ở giữa.
Tháp Sevéaloka có 4 mặt.
Một mặt có một cầu thang ở chính giữa và có sư tử (សឹង្ហ) đá được khắc ở hai bên,
cùng với đó là những ngọn tháp nhỏ khác. Vì tháp Sevéaloka có 5 tầng, các tháp
nhỏ được đặt ở ở mỗi cầu thang là 2 cái, thế nên, ở mỗi cạnh của tháp Sevéaloka
có 10 tháp nhỏ. Ở các tầng, mỗi góc tháp cũng có 1 tháp nhỏ nữa có kích thước bằng
kích thước các tháp nhỏ ở hai bên cầu thang.
Tổng số các tháp nhỏ được
đặt trong tháp Sevéaloka có 60 tháp, trong đó có 40 tháp ở hai bên cầu tháng và
20 tháp ở góc.
Chân tháp Sevéaloka cũng
có hình vuông, mỗi cạnh dài 76 mét. Ở mỗi cạnh này cũng được bố trí 5 tháp nhỏ
có hình vuông, mỗi cạnh dài 7 mét đặt hai bên cầu thang, tổng cộng có 36 tháp.
Mỗi cầu thang có 2 tháp nhỏ khác bố trí hai bên, tổng cộng có 8 tháp.
Chân tháp Sevéaloka có tổng
cộng 44 ngọn tháp nhỏ khác.
Tổng cộng số tháp nhỏ ở đỉnh
(5 tháp), thân (60 tháp) và chân (44), toàn bộ tháp Sevéaloka có 109 tháp nhỏ
khác.
Sevéaloka có nghĩa là Cõi
của thần Shiva. Tháp này là tượng trưng cho cõi của thần Shiva. Bởi thế, tất cả
mọi thứ trong ngôi đền - tháp đều tượng trưng cho thần Shiva hoặc là vật dụng
dâng cho thần Shiva cả.
Người ta cũng cho xây dựng
một Liṅga (លឹង្គ) vàng, tượng trưng cho thần Shiva, thờ
trong ngọn tháp cao nhất.
Truyền thống tôn thờ
Linga là một tục lệ có từ lâu của vua Khmer, bắt đầu từ thời Bheavéavarman Đệ
Nhất (ភាវវរ្ម័នទី១), Ngài thường cho xây dựng và thờ Linga
trên núi nay thuộc khu vực Wort Phou (Vat Phou - ວັດພູ) thuộc tỉnh Champasak, Lào. Vua Chey
Varman Đệ Nhị (ជ័យវរ្ម័នទី២) cũng cho thờ một Linga vàng trên đỉnh
núi Mohintréah Paravéatah (Mahindraparavata - មហិន្ទ្របរវត) hay còn gọi là Núi
Koulen (ភ្នំគូលេន).
Việc cho thờ Linga vàng
trên đỉnh núi này chỉ có một ý nghĩa duy nhất là theo Brahma Giáo thì các vị thần
luôn ngự trên cõi trời, vì thế nên phải đặt thần ở vị trí cao nhất để thần có
thể gần với trời nhất.
Linga vàng của vua Yéasauvarman
Đệ Nhất được đặt tên là Yéasauthéaréaisvaréah (Yasodharaisvara - យសោធរឥស្វរៈ)
có nghĩa là Thần Shiva (Isvara) bảo vệ (Dhara) vua Yaso. Linga đặc biệt này được
các Bà La Môn phụ trách chăm sóc, giữ gìn như vật báu của nhà vua. Một số di
tích cổ ngày nay vẫn được các Bà La Môn, gọi là Ba Kour (បាគូរ) phụ trách gìn giữ. Linga
này chính là Thần hộ mạng của Vua Yasauvarman, là một vị thần mà đức vua đã lựa
chọn trong số nhiều vị thần của Brahma Giáo. Vị thần này được người Ấn gọi là
Ishata (ឥស្ហតៈ). Linga đặc biệt này là vật thờ được người
ta tôn kính nhất trong vương triều Khmer.
Claude Jacques, người
Pháp, trong cuốn Angkor, Résidence des Dieux cho rằng Linga này chính là một «Néak
Ta», ông ta viết: «Đó là một thần linh mới khác với tất cả vị thần khác của
Brahma Giáo. Đây chính là một Thiên Vương (Devarāja) của các thần linh bảo
vệ vương quốc Khmer, khác với các vị thần khác bảo vệ con người…». Nhiều nhà nghiên cứu
nước ngoài cũng sao chép phân tích của Claude Jacques và phổ biến đến ngày nay.
Đá là Néak Ta và đá được
tạc thành Linga của thần Shiva hoàn toàn khác nhau và bất cứ người Khmer nào
cũng nhận ra điều đó.
Sevéaloka là gì? Có ý
nghĩa như thế nào? Biểu tượng là gì?
Những nhà nghiên cứu nước
ngoài có cách giải thích về ngôi tháp – đền này rất khác nhau.
Giáo sư Marilia Albanése
trong cuốn Angkor, Splendeurs de l'Art khmer có viết rằng: «Ngôi đền trên
núi Bakeng là hình ảnh của Núi Préah Sumeru, tuy nhiên, những kiến trúc sư người
Khmer đã thiết kế theo một kiểu khác, rất sáng tạo».
Ta thấy, có 108 tháp nhỏ
xung quanh 1 tháp lớn. Số 108 cũng chính là số lượng của vũ trụ (theo Brahma
Giáo). Thần Shiva cũng có 108 tên gọi khác nhau. Riêng «vòng hoa» được chạm khắc
xung quanh Linga cũng có 108 hạt.
Tháp trung tâm cao nhất
chính là điểm, là nơi sinh ra «thời gian» và «không khí, bầu trời». Nói tóm gọn,
đây là nơi hình thành vũ trụ.
Ở mỗi tầng có 12 tháp nhỏ,
tổng số tháp nhỏ trong 5 tầng ngôi đền – tháp này là 60 tháp.
Con số 12 và 60 này cũng
được người Tàu và người Ấn sử dụng. Đối với người Tàu, mỗi vòng Địa chi có 12
năm (12 con giáp) và Thập luc hoa giáp sẽ là 60 năm. Theo Tử vi của người Ấn Độ,
một vòng quay của Ngày Thứ Năm (ព្រហស្បត្ណិ) là 60 năm (tương đương
với một vòng Hoa Giáp của Tầu), và người ta chia vòng này thành 5 kỳ, mỗi kỳ 12
năm.
Ngoài biểu trưng được lấy
từ các hình ảnh, các con số, ngôi đền – tháp trên đỉnh núi Bakheng còn mang nhiều
hình ảnh biểu trưng cho tôn giáo nữa. Ngôi đền – tháp này có 7 lớp, lớp đầu
tiên là đỉnh núi Bakheng, 5 lớp tiếp theo là ngôi đền – tháp, và lớp thứ 7 là nền đất đá ngoài cùng, nơi mà người ta bố
trí 5 ngọn tháp nhỏ khác. Con số 7 này hoàn toàn phù hợp với 7 lớp của núi Préah
Sumeru và 7 tầng trời của thần Ấn Độ, người ta gọi là Sapdaloka (សប្ដាលោកៈ
- Thất Giới, Tuần Giới).
Nếu nhìn từ một cạnh nào
đó, người ta chỉ sẽ thấy có 33 ngọn tháp nhỏ, số 33 này phù hợp với 33 vị thần
quan trọng.
Những lý giải này là những
nhận định tuyệt vời về bàn tay kỳ diệu và khối óc sáng tạo của người Khmer. Cho
đến nay, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn có cùng chung nhận định với bà Marilia
Albanése về đền – tháp núi Bakheng này.
Tuy nhiên, cũng có những
cách giải thích khác về ngôi đền – tháp núi Bakeng này. Người ta cho rằng có tất
cả 109 tháp chứ không phải là 108 tháp hay 108 + 1 tháp, và cũng theo cách giải
thích của những người này thì con số 108 cũng không có ý nghĩa gì rõ ràng cả. Theo
bà Marilia Albanése thì số lượng vũ trụ (?) nhưng đối với ông Jean Laur thì 108
là số tuổi (?) mà ông này con nhầm lẫn định nghĩa «Tuổi» và «Cấp» (Kalapa – កាល្ប).
Con số 33 đại diện cho 33
vị thần linh quan trọng cũng không phù hợp lắm vì 33 vị thần linh là phạm trù của
Vệ Đà (Vedisme), riêng Ngôi đền – tháp trên núi Bakheng là một ngội đền – tháp Brahma
Giáo.
Việc đếm ngôi đền – tháp này
có 7 lớp cũng là một vấn đề vì người ta tính luôn nền đất là 1 lớp. Thông thường,
không ai xây nhà trên đất và bảo nhà có 2 tầng cả.
Thực tế, đối với người Khmer,
Sevéaloka chính là cõi của thần Shiva hay thần Ishura. Tháp này được xây dựng để
dâng cho thần Shiva.
Thứ nhất, về hình dáng
tháp. Tháp có hình chóp, có nhiều tầng. Người Khmer thời đó gọi hình dáng này
là «Phnum Kai Lah» (ភ្នំកៃលាស់) nếu đọc theo tiếng Sanskrit là «Kailasa».
Trên tường Tháp Bayon,
bên phải cửa vào người ta cũng khắc hình một ngọn tháp có hình dáng như vậy và có
khắc dòng chữ «Phnum Kai Lasah». Một hình ảnh tương tự như vậy với dùng chữ «Phnum
Lay Lah» cũng được khắc ở cổng trước của tháp Banteay Srey (បន្ទាយស្រី).
Và theo những nghệ nhân
trạm khắc Đền – Tháp Angkor Wort thì tất cả các tháp hình chóp và có nhiều tầng
của người Khmer đều là «Phnum Kai Lah» (Núi Kai Lah) cả. Vậy Núi Kai Lah là
gì?
Núi Kailash hay Kailasa
là nơi ở của Thần Shiva khi mà thần từ trên trời xuống. Người ta xây dựng đền –
tháp theo kiểu núi Kailasa để cho thấy đây là núi của thần Shiva, là nơi ở của
thần Shiva.
Mặt khác, như đã trình
bày ở chương trước, thần Shiva chính là hiện thân của 5 yếu tố: nước, đất, lữa,
gió, và không khí cũng như năm hướng: tây, đông, bắc, nam, và hướng trung tâm
(lên trên). Số 5 chính là số biểu tượng cho thần Shiva.
Trong tháp Sevéaloka, đâu
đâu người ta cũng bắt gặp con số 5 này: 5 tầng tháp (không phải là 7 tầng như
nhiều người nhận định), hai dãy 5 ngọn tháp nhỏ được xây hai bên cửa vào dọc
theo các cầu thang, trên đỉnh cao nhất cũng có 5 ngọn tháp nhỏ với 4 tháp nhỏ ở
bốn gốc và một tháp lớn hơn ở giữa.
Tổng cộng có đến 109 tháp
nhỏ (chứ không phải 108 hay 108 +1) chính là 109 tượng thần Shiva vì mỗi tháp
nhỏ đều có 5 tầng, với một tầng chính lớn ở dưới cùng và 4 tầng nhỏ ở trên, được
trang trí bằng vòng hoa sen.
Thần Shiva còn được biểu
trưng bằng hình tượng Linga (Dương cụ) vì Ngài là đấng sinh ra mọi thứ. Trên ngọn
tháp cao nhất có tượng thần Shiva bằng Linga và trong bốn ngôi tháp nhỏ ở bốn gốc
cũng có 4 Linga đá khác nữa.
Vua Yéasauvarman Đệ Nhất
xây dựng tháp Sevéaloka này để dâng lên thần Shiva. Tháp này còn được dựng lên
với một mục đích khác là để mai tang ngài khi ngài băng hà.
Vua Vua Yéasauvarman Đệ
Nhất được người ta an táng tại đây. Mộ của ngài nằm trong ngọn tháp cao nhất,
dưới lớp đá, sâu 2 mét.
Việc người ta mai táng Vua
Yéasauvarman Đệ Nhất tại đây không có nghĩa là tháp Sevéaloka là khu lăng mộ của
ngài. Điều này chỉ chứng tỏ rằng Vua Yéasauvarman Đệ Nhất đã được về đến cõi của
thần Shiva.
Theo Brahma Giáo, việc đến
cõi của thần có nghĩa là đã nhập vào đại bản thể của thần và có cuộc sống bất tử,
thoát khỏi cảnh sinh tử luân hồi và không phải chịu nghiệp báo nữa, đã được
sinh về cõi Thiên đường, hay cõi Niếp-bàn. Việc mai tháng này phù hợp với niềm
tin Brahma Giáo, đúng với tôn giáo mà các vị vua Khmer tuân theo.
Chung quy thì tháp Sevéaloka
không phải là núi Préah Sumeru. Tháp là biểu tượng cho cõi của thần Shiva, đúng
như tên gọi của nó. Trên đỉnh cao nhất của ngọn tháp, người ta mai tang đức Vua
Yéasauvarman Đệ Nhất là người cho xây dựng ngôi tháp này.
Do cách đọc từ thuộc các tiếng Sanskrit – Pali trong
tiếng Khmer cổ khác với tiếng Khmer hiện đại nên người dịch phiên âm cả hai cách đọc để quý độc giả có thể tiện nghiên cứu và tra xét lại.
0 Response to "Lịch sử dân tộc Khmer - Chương XIV Sevéaloka và Núi Bakheng"
Post a Comment